Âm mưu chống đối Hitler Hjalmar_Schacht

Năm 1937, bắt đầu nhen nhúm phong trào chống đối Hitler. Hai nhân vật có tiếng tăm sáng mắt là Johannes Popitz, Bộ trưởng Tài chính của Phổ và Schacht. Cả hai đã được thưởng huân chương cao quý nhất của Đảng Quốc xã vì công lao đóng góp vào nền kinh tế cho mục đích chiến tranh. Có lẽ vì quá khứ và tư cách của họ mà hai người không được thành phần cốt lõi của nhóm chống đối tin cậy. Schacht là con người của chủ nghĩa cơ hội, và Hassell nhận xét trong nhật ký của ông là Schacht "nói một đàng nhưng làm một nẻo" – ý kiến mà ông nghĩ các Tướng Beck và von Fritsch cũng đồng ý.

Trong nhiều tuần mùa hè năm 1939, nhóm âm mưu hành động tất bật, tuy chính xác với mục đích gì thì khó mà hiểu được. Qua tài liệu họ để lại, người ta vẫn không biết rõ và người ta có cảm tưởng là chính họ cũng không biết họ muốn gì. Dù là có thiện chí, họ hoang mang trầm trọng và tê liệt vì kém hiệu quả. Hitler đã hoàn toàn khống chế cả nước Đức – quân đội, Cộng sản, chính quyền và dân chúng – đến nỗi họ không thể nghĩ ra cách nào tháo gỡ hoặc làm lũng đoạn sự khống chế như thế. Thế là, chấm dứt những cố gắng của nhóm âm mưu nhằm ngăn chặn Hitler khởi động Thế chiến II, ngoại trừ nỗ lực vào phút chót của TS. Schacht, mà ông dựa vào đấy để biện hộ cho mình trước Tòa án Nürnberg. Vào tháng 8 năm 1939 ông gửi thư cho Hitler, Göring và Ribbentrop – ở thời điểm gay cấn các nhà lãnh đạo phe chống đối chỉ biết viết thư và bản ghi nhớ – nhưng, ông "rất ngạc nhiên", như ông kể sau này, không nhận được trả lời. Kế đến, ông dự định đi gặp Thống chế Walther von Brauchitsch, Tư lệnh Lục quân Đức. Để nói gì? Trước Tòa án Nürnberg, Schacht giải thích ông định nói với Tư lệnh Lục quân rằng khởi động chiến tranh mà không thông qua Nghị viện là vi hiến! Vì thế nhiệm vụ của Tư lệnh Lục quân là tôn trọng lời tuyên thệ của ông ấy đối với hiến pháp!

Nhưng cuối cùng Schacht đã không gặp Brauchitsch! Đô đốc Giám đốc Quân báo Wilhelm Franz Canaris (1887-1945) cảnh cáo nếu ông này đi gặp, vị Tư lệnh Lục quân "có lẽ sẽ ra lệnh bắt giữ chúng ta lập tức." Nhưng có người giải thích lý do thật sự khiến Schacht không đi nói ra chuyện kỳ quái ấy (việc yêu cầu Nghị viện bù nhìn phê chuẩn là trò trẻ con đối với Hitler đến nỗi ông này không màng đến thủ tục ấy). Có vẻ như Schacht bãi bỏ chuyến đi khi Hitler ra lệnh bãi bỏ tấn công Ba Lan.

Sau vụ ám sát Hitler thất bại ngày 20 tháng 7 năm 1944, nhiều người bị xử tử một cách dã man. Vài người bị bắt, không bị xét xử nhưng bị đưa vào trại tập trung. Trong số này là Schacht, không can dự vào vụ ám sát tuy trước Tòa án Nürnberg ông khai mình đã "khơi mào."

Vài ngày trước khi tự sát, Hitler thảo luận với các tướng lĩnh về số phận của một nhóm tù nhân người Anh, Pháp và Mỹ nổi danh trong đó có Schacht. Một nhân chứng về sau khai: Hitler một lần nữa nổi giận. Tay ông ta run rẩy, chân run rẩy và đầu run rẩy; ông chỉ lặp đi lặp lại: "Bắn hết chúng nó! Bắn hết chúng nó!"

Ngày 1 tháng 5 năm 1945, một nhóm tù nhân gồm những nhân vật nổi tiếng kể cả Schacht được vội vã mang ra khỏi Dachau và đưa về miền nam để tránh quân đội Mỹ đến giải thoát. Họ đến khách sạn ở một ngôi làng nằm cao trên dãy núi ở miền nam Tyrol. Mật vụ cho vài người xem bản danh sách những người mà, theo lệnh của Heinrich Himmler (1900-1945), sẽ bị xử tử để không cho rơi vào tay Đồng Minh. Tuy nhiên, vào lúc 2 giờ chiều ngày 4 tháng 5, có tiếng còi báo động! Một toán binh sĩ Mỹ chiếm lấy khách sạn. Họ được tự do!